Hành trình “lên đời” cho mo cau của chị Võ Thị Thôi (45 tuổi, ở thôn 5, xã tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) khiến nhiều người bất ngờ.
Khởi nghiệp từ kí ức tuổi thơ
Huyện Tiên Phước được xem là thủ phủ cau xứ Quảng. Đến đây, đứng ở góc nào cũng bắt gặp những hàng cau xếp dài thẳng tắp, lá cong xanh mướt bên lối dẫn vào những nhà cổ, xen lẫn trong nắng thu tạo nên vẻ đẹp riêng có ở “xứ Tiên”. Tuy nhiên, ngoài thu hoạch cau trái bán cho thương lái theo mùa thì những mo cau rơi rụng đầy vườn, người dân đem bỏ. Chị Thôi chợt nhớ đến những vật dụng xưa kia ông bà thường làm bằng chiếc mo cau như gáo múc nước, quạt mo… rất tiện dụng và mang đầy kỉ niệm, kí ức tuổi thơ.
Chị em HTX Cau Xanh Xứ Quảng đang làm các sản phẩm thủ công từ mo cau |
Chị xin và đem mớ mo cau về rồi mày mò. Đôi tay khéo léo, óc liên tưởng, sáng tạo sau một hồi những chiếc vỏ xù xì đã được “hô biến” thành những vật dụng xinh xắn như túi xách, bình hoa, bông hoa từ mo cau khiến ai cũng ngỡ ngàng, thích thú. Lúc rảnh chị lại ngồi đan, ai hỏi mua thì đem bán, thong thả vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi vừa có thêm thu nhập. Rồi chị bày cho những chị em trong thôn có nhu cầu học, làm đồ thủ công từ mo cau.
“HTX mới thành lập lợi nhuận chưa nhiều, nhưng cho thấy hiệu quả không ngờ và rất tiềm năng vì phù hợp với xu hướng sống xanh, bảo vệ môi trường. Ý tưởng biến những mo cau bị coi là phế phẩm, làm củi đốt trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang màu sắc đặc trưng của vùng quê, tạo công ăn việc làm cho bà con. HTX trên 30 người tham gia, ai cũng tích cực, phấn khởi”.
Ông Nguyễn Phước Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh
Năm 2023, Hợp tác xã Cau Xanh Đất Quảng được thành lập với sự chung vốn, góp sức của 20 chị em trong xã, chị Võ Thị Thu Thôi là giám đốc. Được sự tiếp sức từ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ, chị em hội viên có cơ hội phát triển sản phẩm mo cau ra thị trường. Các thành viên được dự án mời nghệ nhân ngồi chung để đào tạo dạy nghề cùng phát triển sản phẩm.
Chị Thôi cho hay, hiện HTX Cau xanh Đất Quảng có 20 thành viên chính thức, hiện đang đào tạo 30 thành viên, trong đó có cả người khuyết tật.
Tại chương trình giao lưu “Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” tổ chức tại Quảng Nam tháng 3/2024, những sản phẩm từ mo cau của HTX Cau Xanh Đất Quảng mang lại nhiều cảm hứng để động viên, khuyến khích các chị em phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo. Còn nữ giám đốc HTX chia sẻ, mong muốn truyền tải năng lượng và tinh thần không ngại khó đến tất cả chị em phụ nữ. Đồng thời mong muốn mô hình sản xuất sản phẩm từ mo cau sẽ được lan rộng trên khắp các vùng quê, góp phần tạo công ăn việc làm bền vững cho bà con nông dân, sinh kế cho chị em phụ nữ khuyết tật, người yếu thế. Do đó, hợp tác xã sẽ hỗ trợ và hợp tác thông qua đào tạo nghề cũng như kết nối đầu ra sản phẩm để chị em có thêm việc làm, thu nhập bền vững, cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Lợi ích không ngờ
Chị Thôi cho biết, hiện nay các sản phẩm của HTX Cau Xanh Đất Quảng làm hoàn toàn thủ công do đó thời gian để hoàn thành một sản phẩm mất 1,5 ngày, giá bán mỗi sản phẩm khoảng 300 nghìn đồng. Giá trị kinh tế như vậy không phải là cao nhưng mong muốn phát triển một sản phẩm gắn với tư duy sống xanh, thân thiện, hơn nữa tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn, người yếu thế, khuyết tật mới là điều chị hướng đến.
Tuy nhiên sắp tới chị sẽ nghiên cứu áp dụng máy móc vào công đoạn xé sợi vừa đảm bảo tính chính xác vừa giảm thời gian nhân công hoàn thành sản phẩm. Đồng thời cũng sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tập trung thay vì đưa nguyên liệu về tận nhà cho thành viên như hiện nay để nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Với cách làm như hiện nay thì số lượng sản phẩm cho ra không nhiều, mới chỉ phục vụ bán lẻ và trưng bày chứ chưa dám nhận những đơn hàng số lượng nhiều. Lâu nay là bước thăm dò thị trường, hiện đang đào tạo thêm thành viên. Tuy nhiên thời gian đến thì phải tính bước tiếp theo, nguồn nguyên liệu thì phong phú, dồi dào khi thị trường có nhu cầu, có đơn hàng lớn thì phải sản xuất sao cho quy củ”, chị nói.
Ông Nguyễn Phước Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh không ngờ có ngày một phế phẩm bà con vốn bỏ đi giờ lại thành sản phẩm hút khách. Ở xã Tiên Cảnh hầu như nhà ai cũng trồng cau. Mấy năm gần đây, giá cau cao nên người dân trồng càng nhiều hồi giờ mo cau chỉ như phế phẩm, người dân phơi khô làm củi đốt. Khi HTX hình thành và tạo ra những sản phẩm để bán ra thị trường thì nhiều người rất bất ngờ.